Bối cảnh Chiến_tranh_Anh-Zanzibar

Quần đảo Zanzibar và đại lục châu Phi

Zanzibar là một đảo quốc trên Ấn Độ Dương, ngoài khơi Tanganyika; nay là bộ phận của Tanzania. Đảo chính là Unguja (hay đảo Zanzibar), nằm dưới quyền cai quản trên danh nghĩa của Quốc vương Oman từ năm 1698 khi họ trục xuất những người định cư Bồ Đào Nha vốn tuyên bố chủ quyền với đảo vào năm 1499.[4] Quốc vương Majid bin Said tuyên bố đảo độc lập từ Oman vào năm 1858, được Anh công nhận, và tách vương quốc khỏi Oman.[4] Các quốc vương sau đó định đô và đặt trụ sở chính phủ tại thị trấn Zanzibar, trong thị trấn có một tổ hợp cung điện được xây dựng hướng về phía biển. Đến năm 1896, tổ hợp gồm có vương vung Beit al-Hukm, một hậu cung gắn liền; và Beit al-Ajaib —một cung điện nghi lễ được cho là tòa nhà đầu tiên tại Đông Phi được cấp điện.[5] Tổ hợp phần lớn được xây dựng từ gỗ địa phương và không được thiết kế như một kết cấu phòng thủ.[6] Toàn bộ ba tòa nhà chính nằm gần kề nhau theo một hàng, nối với nhau bằng những lang kiều bằng gỗ phía trên đường đi.[7]

Anh Quốc công nhận chủ quyền của Zanzibar và quốc vương của quốc gia này vào năm 1886, sau một giai đoạn dài tương tác hữu hảo, và nhìn chung duy trì quan hệ tốt với đảo quốc và các quốc vương.[4][4][8][9] Tuy nhiên, Đức cũng quan tâm đến Đông Phi và hai cường quốc tranh giành quyền kiểm soát quyền mậu dịch và lãnh thổ trong khu vực trong suốt cuối thế kỷ 19.[10] Quốc vương Khalifah trao quyền đất đai tại Kenya cho Anh Quốc và trao quyền đất đai tại Tanganyika cho Đức, một quá trình dẫn đến việc cấm chế độ nô lệ trên những vùng đất này.[4] Nhiều thành viên thuộc tầng lớp người Ả Rập thống trị phiền não trước việc bị ngưng hoạt động mậu dịch có giá trị lớn này, kéo theo một số bất ổn.[4] Thêm vào đó, nhà cầm quyền Đức tại Tanganyika không cho treo quốc kỳ vương quốc Zanzibar, dẫn đến xung đột vũ trang giữa quân Đức và dân cư địa phương.[11] Một trong những xung đột như vậy diễn ra tại Tanga, ước tính khiến cho 20 người Ả Rập thiệt mạng.[11]

Quốc vương Khalifah cử các binh sĩ Zanzibar dưới quyền lãnh đạo của Chuẩn tướng Lloyd Mathews, nguyên là sĩ quan của Hải quân Hoàng gia Anh, đi khôi phục trật tự tại Tanganyika.[12] Chiến dịch thành công ở mức độ lớn, song cảm tình chống Đức trong người Zanzibar vẫn mãnh liệt.[11] Xung đột tiếp tục nổ ra tại Bagamoyo, tại đây 150 người bản địa bị quân đội Đức sát hại, và các quan chức người Đức cùng công bộc bị sát hại tại Ketwa.[12] Khalifah sau đó cấp quyền mậu dịch quảng đại cho Công ty Đông Phi Đế quốc Anh (IBEAC), công ty này nhận được hỗ trợ của Đức trong việc phong tỏa hàng hải nhằm ngăn chặn hoạt động mua bán nô lệ nội địa tiếp diễn.[12] Khi Khalifah từ trần vào năm 1890, Ali bin Said lên nắm quyền tại vương quốc.[13] Quốc vương Ali nghiêm cấm mua bán nô lệ nội địa (song không cấm sở hữu nô lệ), tuyên bố Zanzibar là một quốc gia do Anh Quốc bảo hộ và bổ nhiệm Lloyd Mathews là Đệ nhất bộ trưởng để đứng đầu nội các. Anh Quốc cũng được đảm bảo quyền phủ quyết đối với việc bổ nhiệm các quốc vương sau này.[14]

Trong năm mà Ali đăng cơ, Anh Quốc và Đức ký kết Hiệp định Heligoland-Zanzibar, hiệp định chính thức phân ranh giới phạm vi quyền lợi tại Đông Phi và nhượng các quyền của Đức tại Zanzibar cho Anh Quốc.[15] Điều này trao cho chính phủ Anh Quốc thêm ảnh hưởng tại Zanzibar, họ dự định sử dụng điều này để tiệt trừ chế độ nô lệ tại đây, một mục tiêu được đề ra ngay từ năm 1804.[16][17]

Người kế vị Ali là Hamad bin Thuwaini, trở thành quốc vương vào năm 1893. Hamad duy trì quan hệ thân thiết với người Anh song các thần dân của ông bất đồng quan điểm trên vấn đề gia tăng quyền kiểm soát của Anh Quốc đối với quốc gia, quân đội do Anh lãnh đạo và bãi bỏ mua bán nô lệ sinh lợi lớn.[14] Nhằm kiểm soát những bất đồng này, nhà cầm quyền Anh Quốc ủy quyền cho quốc vương tuyển mộ 1.000 cấm vệ quân người Zanzibar, song những binh sĩ này nhanh chóng tham gia những cuộc đụng độ với cảnh sát do Anh lãnh đạo.[18][19] Khiếu nại về các hành động của cấm vệ quan cũng đến từ những dân cư gốc Âu tại thị trấn Zanzibar.[14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Anh-Zanzibar http://books.google.com/?id=NrgBAAAAYAAJ&printsec=... http://books.google.com/?id=Z9sLAAAAYAAJ&printsec=... http://books.google.com/?id=vR9BAAAAIAAJ http://books.google.com/books?id=YUm142jq6F8C http://hansard.millbanksystems.com/commons/1804/au... http://hansard.millbanksystems.com/commons/1890/au... http://query.nytimes.com/gst/abstract.html?res=940... http://query.nytimes.com/gst/abstract.html?res=980... http://query.nytimes.com/gst/abstract.html?res=980... http://query.nytimes.com/gst/abstract.html?res=9B0...